Nguyên nhân Chiến_tranh_Đại_Việt_-_Lan_Xang_(1478-1480)

Quan hệ giữa Đại Việt và Lan Xang vốn không tốt kể từ đầu thế kỷ 14. Đại Việt thời nhà Trần và Lan Xang cũng có quan hệ không tốt đẹp. Hai bên đã có giao tranh ở khu vực biên giới. Quan hệ giữa Lan Xang (Ai Lao hay Lão Qua) với triều đại sau của Đại Việt là nhà Hậu Lê càng không mấy hòa hảo. Khi Bình Định Vương của nhà Hậu Lê khởi nghĩa, Ai Lao cho Mãn Sát đem 30.000 quân và 100 thớt voi sang phối hợp với quân đội nhà Minh đánh úp. Trong trận đánh ở Sách Thủy, cháu của Lê LợiLê Thạch tử trận. Sau đó, Lan Xang còn hay quấy nhiễu biên giới Đại Việt. Ngược lại, khi xây dựng chính quyền, Đại Việt còn sáp nhập một số mường của Lan Xang vào lãnh thổ của mình, đồng thời bắt Lan Xang thần phục và phải triều cống cho Đại Việt (tuy không thành lệ).

Theo sử Việt, đất Bồn Man (Lan Xang gọi là Muang Phuan) đã xin nội thuộc Đại Việt dưới triều Hoàng đế Lê Nhân Tông, được vua Nhân Tông nhập vào Đại Việt thành châu Quy Hợp thuộc xứ Nghệ An và cử quan quân sang, nhưng vẫn cho họ Lư Cầm đời đời làm Phụ đạo.

Đến giữa thế kỷ 15, quan hệ hai bên lại xấu đi. Lan Xang mang quân đánh phá biên giới Đại Việt và xung đột bùng phát.

Sau khi xung đột tạm lắng khoảng 10 năm, tình hình lại căng thẳng trở lại. Theo sử Lào, năm 1478, một viên tướng của vua Lan Xang Xaiyna Chakhaphat bắt được một con voi trắng và dâng lên vua. Được tin, vua Đại Việt sai sứ sang xin lông voi trắng. Chao Chienglaw, thái tử Lan Xang, luôn ghét Đại Việt vì lý do này khác, liền thay vì tặng lông voi, lại sai nhét phân voi vào một chiếc rương và gửi cho vua Đại Việt. Vua Đại Việt nổi giận cất binh đánh Lan Xang.[2] Tuy nhiên, cần phải xét rằng trong lãnh thổ Đại Việt khi đó không phải không có voi trắng, vì Đại Việt Sử ký Toàn thư có chép về việc bắt voi trắng vào các năm 1068, 1418,... và tượng binh là một binh chủng thường trực của quân đội Đại Việt từ thời Trưng Vương.

Năm 1478, Cầm Công (hay Lư Cầm Công thủ lĩnh của Bồn Man) liên kết với Lão Qua (Lan Xang) đem binh quấy nhiễu (châu Quy Hợp) khu vực phía tây xứ Nghệ của Đại Việt. Vua Lê quyết định cất quân sang đánh Lan Xang.[3]

Văn bản lịch sử gần sự kiện này nhất là Đại Việt sử ký toàn thư, bộ chính sử do sử thần nhà Hậu Lê soạn, có ghi:[4]

Mậu Tuất, năm thứ 9[5]... tháng 9... ngày 22, Vua hạ chiếu đi đánh nước Lão Qua... Kỷ Hợi, năm thứ 10[6]... Tháng 6, ngày mồng 7, vua xuống chiếu đi đánh Bồn Man. Tờ chiếu viết: "...Giặc Bồn Man Cầm Công ở lấn ngoài cõi xa xăm. Bỏ chức phiên thần mà lười dâng lễ cống; mang lòng lừa trời mà làm nhục sử thần. Trước còn ôm đầu chạy trốn, nín thở náu mình; sau lại vẫy đuôi kêu thương vội vàng nộp đất. Trẫm thương lương dân sống một phương, tha cho tội ác đáng muôn chết. Đặt quận huyện để trị biên cương;[7] đổi áo xiêm mà trao quan tước. Nhưng nó vẫn ngoan ngu...buông lòng tham sâu...: đảo danh phận lộn ngược giày mũ. Lộng hành quyền binh, chém giết tứ tung; bán cả ruộng dân, vơ vét tiền của... Liêu thuộc ra đón sắc mệnh ở ngoài thành thì gối cao nằm khểnh; quan ải phi báo công văn thắng trận thì đóng cửa ngăn đường. Thậm chí nuôi phường thích khách..., chứa chấp mưu gian... Bày kế gián điệp hòng nhòm ngó nước ta, đặt lời điêu toa để mê hoặc ngoài cõi. Bầy gian ác Lệ Khai thì dung túng chở che, người thổ tù Hàn Triệu lại giam giữ không thả. Thích tên bán nước Đức Lân mà kết làm phụ tử, ghét người tích trữ Lang Tủng thì giết cả vợ con. Nhóm họp lũ bè, thường chống lại quan triều cai trị; giả kính trái mệnh, dám để chậm con tin vào chầu. Trong tin lời yêu tăng gian tà, ngoài dựa tiếng Lão Qua tiếp viện. Chế sứ Nguyễn Tử Nghi hơn vài mươi bọn, trăm cách chống lại mà không nghe; đại thần Vương Văn Đán hơn hai chục người, bỗng chốc đánh giết mà chẳng nể. Lại còn đào hào, sửa giáp, phục kích, đóng đồn. Huống chi tên đầu sỏ Cầm Công, thói đố kỵ ngày càng quá quắt. Nó xé xác quan ấp tể của ta, nó băm vằm quân đồn trú[8] của ta..."

Mùa thu, tháng 7, ngày 22, vua xuống chiếu thân hành đi đánh nước Ai Lao. Tờ chiếu viết: "...Duy nước Lão Qua kia, giáp giới cõi tây. Đương khi Thánh Tổ dẹp giặc Ngô cuồng bạo, đã nhòm sơ hở đánh úp quân ta[9], đến lúc Thần Vũ giết tên Nghiễm hung tàn, lại giúp kẻ gian dấy binh đánh chiếm. Chỉ vì kẻ thù của vua cha chưa diệt, mà di địch kia ngạo ngược càng già. Gọi Cao Hoàng (đế) là em, coi Dụ miếu là cháu …; sang cướp châu Lang Chánh, sang quấy phủ An Tây. Vườn tược Sầm Thượng, Sầm Hạ[10], nó ăn lấn như tằm; nhân dân biên giới của ta, nó lấm lét cắn trộm. Thuận Bình, Sa Bôi do vậy rối ren; Lâm An, Quy Hợp bị chúng giày xéo. Thang Thượng, Thang Hạ là biên ấp của ta, nó cướp đoạt hoành hành; Đạo Luận, Đạo Xa, tên thổ tù phản ta, nó kêu gọi, chứa chấp. Sứ của nó sang thông, thì ta hậu đãi cho về, quan của ta giao thiệp, nó lại bắt giữ bỏ ngục. Đến nước tên Cầm Công trong khi ẩn náu, nó đã giúp đỡ bao che và lúc tên Cầm Công[11] trở mặt cắn càn, nó lại cho quân tiếp sức. Xâu xé bờ cõi ta, chiếm lấn đất đai ta. Đây đâu chỉ là mối lo một thời nơi cương giới, mà thực là mối thù muôn kiếp của nước nhà…"